Trong cuộc sống này gần như bất cứ ai cũng phải gặp qua, sử dụng qua vật dùng nào đó được làm bằng Stainless Steel, có thể là chiếc đồng hồ, cái bàn, cái ly, chiếc xe, thậm chí là nhà ở hay công trình kiến trúc đồ sộ … vậy Stainless Steel là gì mà nó lại được dùng nhiều đến như vậy?
Stainless Steel là từ tiếng Anh, nghĩa là Thép Không Gỉ dùng để chỉ chung các loại hợp kim của thép có khả năng chống gỉ sét. Stainless Steel rất khó bị ăn mòn, oxy hóa (gỉ sét), ố bẩn bởi nước, nước muối, độ ẩm và được dùng nhiều trong máy móc, vật dụng trong nhà và cả trang sức.
Ngày nay chất liệu Stainless Steel đã phổ biến khắp toàn thế giới, đi đâu cũng có thể bắt gặp. Stainless Steel cũng được xem là một hợp chất của kim loại hoàn hảo về mọi mặt: vẻ đẹp, độ bền, giá thành, dễ tạo kiểu dáng và hàn, gò.
Trừ kim loại quý, hiếm như vàng, bạch kim, … Kim loại nói chung và các hợp kim nói riêng, vấn đề gỉ sét đã khiến cho loại chất liệu này gặp rất nhiều hạn chế khi dùng thường xuyên trong cuộc sống, môi trường luôn tồn tại độ ẩm, chất ăn mòn, … và điều đó đã thôi thúc các nhà luyện kim tạo ra chất liệu nào đó tối ưu hơn.
Chromium (Crôm) là một kim loại có đặc tính chống gỉ sét, ăn mòn siêu hạng đã được chọn lựa nhưng vì liên quan đến giá thành, nó đã trở thành một trong hai nguyên liệu quan trọng nhất cùng với Sắt để tạo ra chất liệu Stainless Steel ngày nay.
– 1821, Pierre Berthier người Pháp đã tạo ra hợp kim sắt – crôm chống ăn mòn làm dụng cụ y tế
– 1872, Clark và Woods người Anh đã nhận bằng sáng chế cho hợp kim thép không gỉ đầu tiên.
Và thời gian trôi qua, không ngừng có những loại Stainless Steel khác nhau ra đời, mỗi loại đều có thế mạnh riêng của mình cho từng lĩnh vực khác nhau như máy công nghiệp, máy dân dụng, đồ dân dụng, thiết bị y tế, đồ trang sức, đồng hồ, …
Có rất nhiều loại Stainless Steel nên cũng có rất nhiều công thức Stainless Steel khác nhau. Tuy vậy đến thời điểm hiện tại muốn được liệt kê vào hàng ngũ chất liệu Stainless Steel thì phải có ít nhất 10.5% Chromium kết hợp với thành phần chính là sắt (thép) và các kim loại, phi kim phụ gia khác để tăng độ bền, độ dẻo dai, độ bền nhiệt là: Niken, Molypden, Titanium, Đồng, Carbon, Nitơ.
Đồng hồ Stainless Steel hay còn gọi là đồng hồ thép không gỉ, là loại đồng hồ có vỏ, dây hoặc cả dây và vỏ đều được làm bằng Stainless Steel. Điều này giúp cho đồng hồ có khả năng chịu mồ hôi, nước muối, nước biển, acid hữu cơ như chanh, giấm, … hoặc các loại thực phẩm, dung dịch thường gặp.
Và như thế, đồng hồ của bạn sẽ luôn sáng, đẹp bất kể thời gian. Hiện nay có hai loại chất liệu Stainless Steel được sử dụng trên đồng hồ là:
– Lớp 316L: Fe, C 0.08 %, Si 0.75%, Mn 2.00%, P 0.045%, S 0.030%, Cr 16.00/18.00%, Mo 2.00/3.00, Ni 10.00/14.00%, N 0.10%
– Lớp 904L (Rolex): Fe, <0.02% C, 19-23% Cr, 23-28% Ni, 4-5% Mo, <2.0% Mn, <1.0% Si, <0.045% P, <0.035% S, 1.0-2.0% Cu.
Điểm nổi bật của Đồng hồ Stainless Steel:
– Gần như không bao giờ gỉ sét (khi dùng hằng ngày, đi bơi biển,…)
– Độ cứng cao nên rất khó bị trầy xước, móp méo cong vênh
– Trọng lượng vừa đủ cho tay hoạt động thoải mái
– Dễ đánh bóng, dễ thay thế, giá thành hợp lý
– Không độc hại, cực hiếm khi gây dị ứng da
– Nhiều thương hiệu, mẫu mã
– Bền đẹp với thời gian
Có thể nói Stainless Steel – thép không gỉ là vật liệu quan trọng hàng đầu trên đồng hồ, cho dù là đồng hồ đắt rẻ như thế nào, có được chất liệu Stainless Steel đồng nghĩa nó có được một sự an tâm về chất lượng trong bất cứ trường hợp nào.