Dây đồng hồ kim loại, cùng với dây da, là hai loại dây phổ biến nhất trong các sản phẩm đồng hồ. Dây đồng hồ kim loại rất được ưa chuộng bởi tính cứng cáp và vẻ sang trọng, sáng bóng, được sử dụng linh hoạt trong các kiểu thiết kế ở dòng đồng hồ thể thao chức năng lẫn kiểu đồng hồ thanh lịch, sang trọng.

Cũng như dây da, dây đồng hồ kim loại có rất nhiều kiểu thiết kế sáng tạo khác nhau, có những ứng dụng chức năng khác nhau với những ưu nhược điểm riêng biệt. Trong bài viết này, hãy cùng xem qua các kiểu thiết kế cho dây đồng hồ kim loại cũng như các ưu nhược điểm của chúng.

Nhiều hãng sẽ có những kiểu thiết kế sáng tạo cho dây đồng hồ kim loại riêng, nhưng tựu chung, các kiểu thiết kế dây đồng hồ kim loại sẽ lấy cảm hứng từ 6 kiểu dây sau đây:

1. Kiểu dây kim loại Oyster.

Được giới thiệu bởi Rolex vào những năm 1930, dây kim loại Oyster là kiểu thiết kế dây kim loại phổ biến nhất cho đồng hồ. Các Oyster được thiết kế đặc trưng bởi sự liên kết các thanh kim loại to rộng có một mảnh dài ở giữa và hai mảnh ngắn hai bên.

Kiểu thiết kế này hiện diện trên hầu như tất cả các mẫu đồng hồ Rolex cho đến nay và bao gồm luôn cả các mẫu đồng hồ dây kim loại của hãng khác. Kiểu dây kim loại Oyster đã đạt được sự ưa chuộng to lớn bởi sự đơn giản, thuận tiện và cảm giác chắc chắn mà chúng mang lại.

Do các thanh kim loại to, rộng khiến chúng cứng cáp hơn, chắc chắn hơn các kiểu dây kim loại khác. Hơn nữa, số lượng liên kết mắt xích tương đối nhỏ nên ít xảy ra việc đứt gãy các mắt xích liên kết hơn và dễ giúp bạn thực hiện các công việc giảm các xích dây cho vừa cổ tay một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên; mặt thiếu sót của dây đeo này sẽ khiến người đeo cảm thấy hơi lỏng tay, và không được mềm mại so với các vòng đeo tay khác do kích thước mỗi thanh khá lớn và vuông vức nên chúng rất khó điều chỉnh cho ôm sát cổ tay bạn.

Ngoài vấn đề nhỏ ấy, kiểu dây Oyster là một lựa chọn tuyệt vời cho hầu hết mọi chiếc đồng hồ. Cấu trúc của chúng tạo nét rất cân đối không những trên một chiếc đồng hồ có mặt vỏ to bản mà chúng cũng trông rất tuyệt vời trên một chiếc đồng hồ có kích thước nhỏ.

Đây là kiểu dây kim loại kinh điển và sẽ không bao giờ bị lỗi thời. Nếu bạn chưa biết nên đeo dây kim loại có kiểu thiết kế gì là tốt nhất thì mẫu dây Oyster sẽ là sự lựa chọn tối ưu.

2. Kiểu dây kim loại President.

Kiểu thiết kế dây kim loại President khá giống với kiểu Oysters với độ rộng dây được nối giữa 3 thanh kim loại. Tuy nhiên, thanh kim loại kiểu President nhỏ hơn và được chia ra số lượng nhiều hơn.

Nguồn gốc tên dây President (tổng thống) là từ chiếc đồng hồ dây kim loại Rolex Day-Date, ra mắt từ năm 1956, cùng kiểu thiết kế dây ba thanh thon tròn đặc trưng, thường xuất hiện trên tay các Tổng thống Mỹ nổi tiếng.

Như ta có thể thấy, thanh kim loại của dây President có kích thước nhỏ hơn, nhiều hơn dây Oyster truyền thống, với số lượng các mấu nối nhỏ để gắn kết các thanh kim loại với nhau cũng nhiều hơn.

Điều này giúp làm tăng tính mềm mại cho dây khi đeo, cũng như dễ điều chỉnh kích cỡ cho dây ôm sát cổ tay hơn dây Oysters.

Tuy nhiên, nhược điểm của kiểu dây President là do chúng có số lượng nhiều những mấu nối nhỏ gọn, khiến cho kiểu dây này sẽ xảy ra việc đứt gãy các mấu nối.

Đồng thời, khi đeo trong thời gian dài, các mấu nối nhỏ của dây này sẽ bị cong, khiến dây bị giãn.

Về thời trang, tính mềm mại, ôm sát theo cổ tay và việc sử dụng nhiều thanh kim loại nhỏ gọn, sáng bóng của kiểu dây President làm tăng thêm vẻ sang trọng cho chiếc đồng hồ, có thể được đeo linh hoạt trong các sự kiện trang trọng cũng như trong các hoạt động thể thao, sinh hoạt hằng ngày.

Do kích thước Kiểu dây President thường khá nhỏ, chúng sẽ được sử dụng nhiều trong các thiết kế đồng hồ với kích thước vỏ nhỏ hoặc trung bình để tạo nét cân đối tổng quan cho đồng hồ.

3. Kiểu dây kim loại Jubilee.

Dây Jubilee có kiểu thiết kế kết hợp giữa phong cách dây Oyster và dây President, với năm thanh kim loại nhỏ liên kết nhau theo chiêu rộng, hai cạnh ngoài có kích thước khá lớn, được đánh mờ và ba thanh kim loại nhỏ liên kết nhau ở giữa, được đánh bóng hoặc mạ lớp phủ vàng.

Dây đồng hồ kim loại Jubilee được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1945 để nhân kỷ niệm 40 năm Rolex ra mắt mẫu đồng hồ hồ Datejust, một trong những chiếc đồng hồ đeo tay nổi tiếng nhất của thương hiệu Rolex.

Ban đầu chúng chỉ được dùng trong phiên bản đồng hồ dây bằng vàng, sau đó ứng dụng thép hai cạnh ngoài và sử dụng màu demi trắng – vàng với màu trắng của thép ở hai cạnh ngoài và màu vàng của chất liệu vàng ở ba thanh kim loại nhỏ ở giữa.

Đặc điểm kiểu thiết kế này là chúng tạo thêm điểm nhấn hướng giữa trung tâm vỏ đồng hồ, làm tôn thêm vẻ đẹp ở phần thiết kế vỏ và mặt số đồng hồ, đồng thời giúp đồng hồ trông bắt mắt và độc đáo hơn.

Dây đồng hồ kim loại Jubilee có ưu và nhược điểm: chúng mềm mại, ôm sát tay nhưng mấu nối liên kết qua năm thanh kim loại của chúng khá mỏng, sẽ dễ bị cong, làm dãn giây qua thời gian dài sử dụng.

4. Kiểu dây kim loại Engineer.

Được thiết kế cực kỳ chắc chắn với sự liên kết theo chiều rộng dây giữa 5 mảnh kim loại to và dày, mỗi mảnh kim loại được thiết kế theo hình hộp chữ nhật hoặc hình hộp lục giác.

Do kích thước to bản, cồng kềnh nên loại dây này khi đeo lên tay sẽ có cảm giác rất nặng tay và khó chịu, đặc biệt là với những người lần đâu tiên đeo kiểu dây này.

Nhưng bù lại sự nặng nề, cồng kềnh là sự cứng cáp và độ bền đáng kinh ngạc.

Đồng thời kiểu thiết kế dây này dễ dàng ôm sát theo cổ tay người đeo, tạo sự chắc chắn khi đeo.

Kiểu dây Engineer sẽ phù hợp với mọi loại kích thước vỏ đồng hồ do cấu trúc linh hoạt của chúng,

Nhưng do độ dày của dây này khá dày, kiều dây này sẽ không phù hợp với người có cổ tay nhỏ nhắn.

Được cho là do chính hãng Seiko sáng tạo ra, dây Engineer rất phù hợp và cân đối với những mẫu đồng hồ lặn biển to bản chuyên dụng, kiểu dây này thường xuất hiện trên những chiếc đồng hồ thể thao có độ bền tuyệt vời, vi dụ như các mẫu đồng hồ lặn biển Seiko Monster.

5. Kiểu dây kim loại Shark Mesh.

Tên của dây kim loại Shark Mesh (lưới cá mập) có thể ngay lập tức gợi lên hình ảnh của kẻ săn mồi đại dương hung dữ, nhưng bản thân dây đeo gần như không có mối liên hệ vật lý nào với con thú hung ác.

Cái tên dây này được chỉ được dùng để làm nổi bật chiến dịch quảng cáo nổi tiếng được Omega khởi xướng cho chiếc đồng hồ lặn biển đột phá của họ, đồng hồ Omega Seamaster Ploprof 600.

Chỉ dành cho mục đích sử dụng trong ngành lặn biển chuyên nghiệp, chiếc đồng hồ Omega Seamaster Ploprof 600 này được chế tạo để chịu được các áp suất nước cực cao ở độ sâu cực thấp, và dây đeo Shark Mesh của đồng hồ Omega Seamaster Ploprof 600 cũng phải như thế.

Cấu trúc dây Shark Mesh là sự liên kết giữa các vòng kim loại to, chắc đan xen lẫn nhau.

Dây Shark Mesh bền hơn các mẫu thiết kế dây kim loại truyền thống do không có mấu nối thẳng giữa các liên kết, nên chúng có rất ít điểm bị chịu lực thường xuyên.

Đồng thời, với thiết kết kiểu dây lưới, chúng dễ dàng ôm sát và chặt theo tay khi đeo, dễ điều chỉnh cho vừa vặn theo nhiều cỡ cổ tay.

Không những thế, kiểu dây này làm da tay bạn “dễ thở” hơn, thông thoáng hơn do lỗ hở giữa các liên kết tròn.

Với các đặc tính trên, mẫu dây Shark Mesh là sự lựa chọn hoàn hảo cho các mẫu đồng hồ lặn biển chuyên dụng.

6. Kiểu dây kim loại Milanese.

Đúng như tên gọi, dây đeo đồng hồ Milanese có nguồn gốc phát triển từ Milan, Ý.

Kiểu thiết kế dạng dây lưới đan mỏng này được lấy cảm hứng từ loại áo giáp xích của những chiến binh thời kỳ trung cổ – thế kỷ XII.

Quá trình sản xuất được hoàn thành thủ công hoàn toàn bằng tay, và kiểu thiết kế này vẫn là một kiểu thiết kế đặc trưng cho phong cách Ý trong hơn 500 năm.

Các chuyên gia thiết kế dây đeo đồng hồ nổi tiếng của Đức, Staib và Vollmer đã ứng dụng  kiểu thiết kế dây kim loại Milanese này vào đồng hồ từ đầu những năm 1920, gây ra sự tăng vọt về mức độ phổ biến chúng trên thị trường bởi nét thanh nhã của chúng khi kết hợp với các mẫu đồng hồ có kích thước nhỏ đang là “mốt” ở thời điểm đó.

“Mốt” này kéo dài đến khoảng cuối những năm 60, vì vậy dây đeo Milanese là kiểu thiết kế khá phổ biến trên những dòng đồng hồ đeo tay cổ xưa.

Với cấu trúc lưới dệt kim loại cực kỳ dày đặc và chặt chẽ, khiến chúng trở thành một trong những loại dây đeo kim loại “mịn” nhất, “mềm” nhất khi đeo trên tay.

Tuy không cứng cáp bằng những loại dây kim loai hình khối, nhưng Milanese cũng có những ưu điểm mà ít có loại dây kim loại khố truyền thống không có như tính mềm mại, dễ dàng ôm sát cố tay người đeo, và độ thông thoáng nhất định cho da tay khi đeo.

Đây là kiểu thiết kế cứu cánh cho những người dùng có cổ tay nhỏ nhưng thích đeo dây đồng hồ kim loại, và kiểu thiết kế này cũng rất phù hợp với những mẫu đồng hồ có kích thước vỏ đồng hồ nhỏ và mỏng.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *