Minute Repeater - Điểm chuông tới phút

08:00 22/05/2019
lbwm Minute Repeater - Điểm chuông tới phút

Minute repeater: Thuật ngữ để chỉ loại đồng hồ được chế tạo để có thể điểm chuông tới phút. Chức năng này của đồng hồ hoạt động nhờ một cần đẩy, hoặc một cần trượt, thường nằm bên cạnh vỏ đồng hồ.

Ngành đồng hồ nếu không có khái niệm Minute Repeater sẽ thiếu đi vô khối phần thú vị. Còn các tay chơi đồng hồ sành sỏi sẽ chẳng có cơ hội ngắm nhìn những cỗ máy đếm thời gian siêu tinh xảo với khả năng phát ra những tiếng đinh đong báo thời gian thánh thót.

Lịch sử những chiếc Minute Repeate

Sẽ không ngoa khi khẳng định Minute Repeater là một trong những tính năng tạo nên giá trị cho những chiếc đồng hồ cơ và sự quý hiếm của nó. Cũng không hề quá khi đem nó ra so sánh với tourbillon – một bộ phận được ghi nhận đã đi vào huyền thoại của ngành đồng hồ bởi nó làm giảm tác động của trọng trường tới sự chính xác của đồng hồ. Bởi Minute Repeater khoác trên mình lịch sử rất ấn tượng. Nó ra đời từ một lý do rất đơn giản, đáp ứng nhu cầu xem giờ khi màn đêm bao phủ và giúp người khiếm thị biết thời gian.

Có thể nói, cũng giống như những tính năng thời thượng khác trong những chiếc đồng hồ cơ, đồng hồ Minute Repeater hay còn được biết dưới cái tên đồng hồ điểm chuông được viết nên bởi những nghiên cứu và không ít những cách tân. Tất nhiên, trong số đó không thể thiếu những nhà khoa học, những nhân vật tiên phong trong ngành đồng hồ. Lịch sử ghi lại rằng, trước khi Thomas Mudge phát minh ra Minute Repeater, vào những năm 1530, những người thợ đồng hồ đã tạo ra những va chạm đặc biệt với mỗi giờ.

Nhưng câu chuyện về nó chỉ thật sự bắt đầu vào năm 1679 khi nhà sáng chế Edward Booth (Barlow) phát minh ra bộ chuyển động đầu tiên có khả năng đếm giờ nhưng nó vẫn là một chiếc đồng hồ để bàn “to xác”. 7 năm sau, từ những thành tựu của Edward Booth, nhà sáng chế đồng hồ người Anh Daniel Quare đã phát triển và tạo ra một chiếc đồng hồ repeater thu nhỏ đầu tiên. Một năm sau, năm 1687, ông đã nhận bằng sáng chế về cơ cấu điểm chuông quarter repeater để báo giờ và 15 phút theo yêu cầu. Nhưng nó vẫn là chiếc đồng hồ khá lớn. Đến năm 1740, Julian le Roy đã tạo ra một bước chuyển đầy ấn tượng bằng cách thay thế những chiếc chuông cồng kềnh bằng một thanh kim loại. Nhờ đó, trọng lượng của những chiếc đồng hồ cũng giảm dần.

Năm 1750, Thomas Mudge – cha đẻ của cái hồi – một bộ phận không thể thiếu của những chiếc đồng hồ cơ, đã ghi danh mình vào lịch sử ngành đồng hồ với phát minh to lớn, Minute Repeater với khả năng đếm giờ, 15 phút và từng phút. Và tất nhiên, nhắc đến lịch sử của Minute Repeater thì tuyệt đối không thể không nhắc đến nhà phát kiến vĩ đại, cha đẻ của tourbillon, Abraham-Louis Breguet. Ông thay quả chuông bằng một cồng ở bên trong thân đồng hồ.

Quý như đồng hồ Minute Repeater

Hẳn bạn đã nghe nói về chiếc Patek Philippe Minute Repeater trị giá tới $370.000 mà tài tử điện ảnh Brad Pitt đã tặng người tình Angelina Jolie. Nó là một trong những cỗ máy đếm thời gian Minute Repeater hoàn hảo nhất của Patek Philippe. Nghe nói, sau khi được các nhà chế tác hoàn thiện bằng tay, nó còn được đích thân một thành viên của gia đình Stern, gia đình đang sở hữu nhãn hiệu đồng hồ này kiểm tra. Giới thời thượng cũng truyền tai nhau thông tin, người ta phải chờ tới 2 năm mới có thể sở hữu được Patek Philippe Minute Repeater. Mở đầu thế để bạn có những hình dung về sự phức tạp của những chiếc đồng hồ Minute Repeater. Còn nếu bạn xem những clip về những cỗ máy đếm thời gian này, đảm bảo bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi sự tinh xảo mà những bậc thầy đồng hồ đã khoác lên nó. Bởi ngay cả Peter Speake-Marin, một nghệ nhân chế tác đồng hồ tự do cũng đã phải thốt lên mỗi khi xem các đòn bẩy, đĩa cam, lò xo chuyển động, đều gợi lên một vẻ đẹp tò mò khó cưỡng.

Ví dụ ở thời điểm 3h17’, chủ nhân chỉ cần gạt một cần gạt hoặc ấn một nút, chiếc đồng hồ sẽ thể hiện bằng những tiếng chuông như dong, dong, dong, ding-dong, ding, ding. Ở đây, “dong” tương ứng với 1 giờ, “dinh-dong” tương ứng với 15 phút và “ding” tương ứng với 1 phút.

Chính bởi sự xuất hiện của yếu tố âm thanh này nên những cỗ máy Minute Repeater vô cùng phức tạp và được coi là một trong những thành tựu xuất sắc nhất của ngành chế tạo đồng hồ. Nó cần có một hệ thống cơ khí để có thể biết được chính xác số chuông cần điểm. Đồng hồ Minute Repeater phức tạp bởi trong cơ chế của nó không chỉ để tâm tới giờ và phút mà còn phải biến chúng thành âm thanh. Đó là lý do tại sao đồng hồ điểm chuông luôn phải có rất nhiều thành phần với những linh kiện phức tạp tăng dần theo cấp số nhân. Cơ cấu ấy hoạt động nhờ vào một cần đẩy hoặc cần trượt, thường nằm ở bên cạnh vỏ đồng hồ. Cơ chế hoạt động này sẽ giúp cho những cỗ máy đếm thời gian phát ra những âm thanh như “dong”, “ding-dong” và “ding ding” hay “bam”, “bim bam”, “bim bim” báo giờ và phút.

Bởi thế, chỉ có những thương hiệu đình đám như Patek Philippe, Breguet, Cartier, Hublot, Audemars Piguet, Speake-Martin, Van Cleef&Arpels… mới có đủ sự tinh xảo và kĩ thuật để thực hiện những chiếc đồng hồ điểm chuông. Có những chiếc Minute Repeater cần đến vài năm để hoàn thiện. Và không phải nghệ nhân đồng hồ nào cũng có thể thực hiện được đồng hồ Minute Repeater. Kĩ thuật, sự tinh xảo thôi chưa đủ, họ còn phải có đôi tai âm nhạc để chỉnh cho tiếng chuông thật thánh thót và dễ phân biệt giữa tiếng chuông giờ, chuông 15 phút và phút. Chiếc Cartier Minute Repeater Flying Tourbillon của Cartier chẳng hạn. Nghe nói, Carole Forestier-Kasapi đã phải mất tới 5 năm thiết kế và thực hiện. Hay Van Cleef&Arpels Poetic Wish có đến 458 bộ phận…

Thông thường, trước khi một cỗ máy Minute Repeater xuất xưởng và đến tay chủ nhân, nó sẽ phải qua vòng kiểm tra âm thanh với những đôi tai “cực nhạy”.

Minute Repeater là gì? Cơ chế vận hành của Minute Repeater trong đồng hồ Minute Repeater - Điểm chuông tới phút
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0786183888