Trước đây, khi con người chưa biết cách sử dụng điện năng và chất phản quang, thì chiếc đồng hồ gần như vô dụng vào ban đêm. Vì lẽ đó, những người nghệ nhân đã nghĩ ra một cách khác để “hiển thị” thời gian: Dùng âm thanh – Và như thế các tính năng điểm chuông đã ra đời.

Trong những tính năng điểm chuông, chúng ta có Minute Repeater, Grande SonneriePetite Sonnerie. Mỗi tính năng trong số đó đều rất phức tạp, tuy nhiên xếp trên cùng phải là Grande Sonnerie.

Với Minute Repeater, bạn cần phải gạt công tắc để kích hoạt tính năng điểm chuông báo giờ. Hành động gạt công tắc đó có hai mục đích: một là để kích hoạt tính năng điểm chuông, hai là để lên dây cót cho tính năng điểm chuông. Vì lẽ đó, nghệ nhân đồng hồ không cần quá quan tâm tới việc trữ năng lượng của tính năng này.

Ngược lại, Grande Sonnerie và Petite Sonnerie lại hoạt động hoàn toàn tự động: Petite Sonnerie sẽ điểm chuông từng giờ chẵn, còn Grande Sonnerie sẽ điểm chuông mỗi giờ, và mỗi 15 phút lẻ. Ví dụ: vào lúc 7 giờ thì cả Grande Sonnerie và Petite Sonnerie đều điểm chuông, nhưng 7 giờ 15 thì chỉ có Grande Sonnerie điểm chuông mà thôi.

Vì hoạt động liên tục như vậy, những chiếc đồng hồ Grande Sonnerie sẽ yêu cầu một hệ thống cót riêng cho tính năng này. Không chỉ thế, những người nghệ nhân phải đảm bảo chiếc đồng hồ điểm chuông chính xác 96 lần mỗi ngày (4 lần 1 giờ, 24 giờ 1 ngày) – một con số khổng lồ.

Tính năng điểm chuông trên đồng hồ đã xuất hiện từ rất lâu – khoảng thế kỷ 15. Tuy nhiên, phải đến năm 1992 thì những chiếc đồng hồ đeo tay với tính năng Grande Sonnerie mới được ra đời. Chiếc đồng hồ này được chế tác bởi bậc thầy Philippe Dufour.

Bên cạnh Philippe Dufour, chúng ta cũng có một số nghệ nhân độc lập khác như Franck Muller hay F.P. Journe cũng cho ra đời những mẫu Grande Sonnerie đỉnh cao (Aeternitas Mega 4 và Sonnerie Souveraine).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *