Nếu nhắc đến ký hiệu “Swiss made” trên đồng hồ đeo tay thì dường như chúng ta đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, nhiều chiếc đồng hồ đeo tay lại mang ký hiệu khác là “Geneva”. Vậy “Geneva” xuất hiện trên đồng hồ đeo tay thể hiện điều gì? Để tránh gây nhầm lẫn cũng như giúp người đọc hiểu rõ bản chất của “Geneva”, trong bài viết này, sẽ giới thiệu đến hai vấn đề chính là: con dấu “Geneva” và chữ ký hiệu “Geneva” trên đồng hồ đeo tay.
Hiểu về con dấu “Geneva”
Con dấu “Geneva” có hình dạng là một nửa con đại bàng và nửa còn lại là thanh kiếm. Con dấu này được in trên bộ máy đồng hồ và thường được gọi theo tên tiếng Anh là “Geneva Seal”, còn tiếng Pháp là “Poincon De Genève“… Nó có nguồn gốc thuộc sở hữu của thành phố Canton, Geneva, Thụy Sỹ.
Trong lĩnh vực đồng hồ, con dấu này ra đời từ năm 1886, dùng để chứng nhận cho các bộ máy đồng hồ được sản xuất tại thành phố Canton, Geneva và thể hiện thứ hạng cao trong giới chế tác đồng hồ, cụ thể hơn là kỹ thuật hoàn thiện, trang trí bộ máy. Một chiếc đồng hồ được đóng dấu “Geneva” phải trải qua một loạt quy trình kiểm tra xem có vượt qua được những điều kiện bắt buộc đề ra hay không. Và một trong điều kiện bắt buộc là nó phải được chế tác bởi người thợ chuyên nghiệp đến từ thành phố Canton, Geneva.
Con dấu này được hoạt động dựa trên sự bảo hộ của pháp luật Thụy Sỹ. Một trong số đó là đạo luật về kiểm tra đồng hồ tự nguyện (Loi sur le contrôle facultatif des montres), gồm các quy định cụ thể về tiêu chí để một chiếc đồng hồ được đóng con dấu “Geneva”. Nó yêu cầu các nhà sản xuất phải gửi chiếc đồng hồ tới văn phòng kiểm tra đồng hồ Geneva để tiến hành kiểm tra. Kiểm soát viên thực hiện việc kiểm tra phải là công dân nước Thụy Sỹ đã tuyên thệ trung thành và không có mâu thuẫn nào cũng như liên quan tới lợi ích cá nhân. Sự khắt khe này nhằm đảm bảo mọi quy định về việc thẩm tra và trao con dấu thực hiện một cách công tâm và chính xác nhất.
Theo quy định vào năm 1994, thì chỉ có các đồng hồ cơ khí được lắp ráp và tinh chỉnh bên trong thành phố Canton, Geneva mới được nộp đơn xin con dấu. Đồng thời, các nhà sản xuất phải chứng minh được chất lượng sản phẩm đồng hồ của mình đạt tiêu chuẩn theo bộ luật đề ra, điển hình như:
– Bộ máy cơ khí đồng hồ phải được chế tạo phù hợp với thực tế, được xếp vào sản phẩm tốt nhất của ngành công nghiệp đồng hồ và do những người thợ có tay nghề giỏi thực hiện.
– Việc lắp ráp, tinh chỉnh phải được thực hiện tại Canton, Geneva.
– Sản phẩm được cam kết bằng chữ ký của nhà chế tác và được gửi kèm khi đưa bộ máy đi kiểm tra.
– Tất cả bộ máy gửi đến kiểm tra phải được đánh số tránh nhầm lẫn hoặc thất lạc.
– Yêu cầu kỹ thuật đánh bóng cao, hoàn chỉnh ở mọi chi tiết, góc cạnh kể cả ốc vít.
Chữ “Geneva” (hoặc Genève) được ký hiệu trên mặt đồng hồ
Khác với con dấu “Geneva”, chữ “Geneva” thường được in trên mặt số đồng hồ như một cách trang trí và nhận diện chất lượng. Song, nhiều người sẽ thắc mắc rằng nó có liên quan gì tới con dấu “Geneva” hay không? Và ký hiệu “Swiss made” rất quen thuộc trên đồng hồ Thụy Sỹ với ký hiệu “Geneva” có điểm tương đồng như thế nào?
Đầu tiên về mối quan hệ giữa con dấu “Geneva” và ký hiệu chữ “Geneva” đều có nguồn gốc từ thành phố Canton, Geneva và chỉ có đồng hồ sản xuất tại khu vực này mới có đươc cả 2 kí hiệu trên. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản giữa chúng là con dấu dùng chỉ kỹ thuật chế tác, hoàn thiện bộ máy, còn chữ ký hiệu liên quan đến hoạt động chế tác đồng hồ nói chung. Đặc biệt cần lưu ý, ký hiệu Geneva sẽ có mối liên quan đến ký hiệu Swiss made.
Xét theo quy định, ký hiệu “Geneva” giống như Swiss made. Dễ hiểu hơn là chữ Geneva đóng trên mặt số là một phiên bản ký hiệu khác của Swiss made của bang Geneva. Theo đó, nghĩa của từ Swiss made sẽ rộng hơn. Cụ thể là một chiếc đồng hồ Geneva thì chắc chắn sẽ thuộc Swiss made, song một chiếc đồng hồ Swiss made có thể là Geneva hoặc không phải. Vì không hẳn chiếc đồng hồ nào cũng được sản xuất tại Geneva, mà có thể được chế tác ở nơi khác, ví như Le Locle.
Một chiếc đồng hồ được in ký hiệu Geneva trên mặt đồng hồ phải đáp ứng các tiêu chí sau:
– Chiếc đồng hồ phải được sản xuất tại Thụy Sỹ, bao gồm cả việc nghiên cứu, phát triển, xây dựng, tạo mẫu và bộ máy bên trong đồng hồ.
– Công đoạn lắp ráp, chế tạo hoặc lắp ráp bộ máy phải được thực hiện tại vùng Canton, Geneva với ít nhất 50% tổng chi phí phát sinh ra từ đó.
Từ đó có thể thấy khi bắt gặp ký hiệu Geneva hoặc con dấu trên đồng hồ đeo tay, chúng ta sẽ không cần băn khoăn nhiều đến xuất xứ, chất lượng…Vì chắc chắn rằng nó là chiếc đồng hồ Thụy Sỹ được chế tác tinh xảo và trải qua những quy trình kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt trước khi tung ra thị trường.