Những người đam mê đồng hồ chắc hẳn không còn lạ lẫm gì với khái niệm về một số chức năng của đồng hồ như Chronograph, Moonphase, Tachymeter.. Nhưng có thể bạn vẫn chưa biết các chức năng trên được tập hợp thành một tên gọi chung trong giới đồng hồ, đó là Complication. Như vậy, có thể tóm gọn Complication là một khái niệm để chỉ tất cả những chức năng khác nằm ngoài chức năng chỉ giờ, phút , giây cơ bản của một chiếc đồng hồ.
“Complication” – Dịch ra là sự phức tạp, là thuật ngữ được sử dụng để chỉ tất cả các chức năng khác ngoài chức năng chỉ giờ , phút, giây trên một chiếc đồng hồ. Đồng hồ có càng nhiều chức năng Complication thì bộ máy của nó lại càng phức tạp tương ứng với việc chế tạo, lắp ráp và sửa chữa cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính chuyên môn cao hơn.
Thông thường một chiếc đồng hồ có chức năng Chronograph (chức năng bấm giờ thể thao) sở hữu khoảng 250 chi tiết trong một thiết kế. Những chiếc đồng hồ phức tạp hơn có thể được hình thành từ hơn 1000 chi tiết. Với khả năng sáng tạo không ngừng, thế giới đồng hồ từng chứng kiến những cỗ máy được gán với cái tên Grand Complication – Siêu Phức Tạp và thường thấy ở các thương hiệu có phân khúc giá cao như Rolex, Patek Philippe…
Hiện nay, với sự sáng tạo và khả năng phá vỡ các giới hạn trong chế tác, có rất nhiều Complication đã được tạo ra. Dưới đây là một số Complications khá thông dụng:
1. Chức năng báo thức (Alarm): người dùng có thể đặt một thời gian cố định trong ngày, và đồng hồ sẽ phát ra âm báo.
2. Lịch năm (Annual Calendar): với chức năng này, đồng hồ có thể nhận biết được tháng nào có 30 hay 31 ngày. Tuy nhiên, nó không thể nhận biết được năm nhuận.
3. Lịch vạn niên (Perpetual Calendar): Chức năng này có thể nhận biết được năm nhuần, và với Perpetual Calender, bạn sẽ không phải chỉnh lại lịch cho đến năm 2100.
4. Lịch tuần trăng (Moon Phase): một mặt đồng hồ nhỏ sẽ dùng để hiển lịch quay của mặt trăng, chức năng này giúp người đeo biết được ngày nào là ngày trăng tròn, ngày nào là trăng khuyết. Moon Phase rất hữu ích với những người thích chu du, tìm phương hướng bằng cách quan sát mặt trăng.
5. Chức năng bấm giờ (Chronograph): bao gồm 3 mặt đồng hồ phụ, nó tương tự như một “Stop Watch”, người đeo có thể kích hoạt khả năng đếm thời gian, trong khi đó, các chức năng khác vẫn hoạt động bình thường.
6. Flyback Chronograph: với chức năng này, đồng hồ bấm giờ có thể quay về vị trí cũ để bắt đầu một vòng đếm giờ mới mà không cần phải dừng lại.
7. Chức năng hiển thị 2 múi giờ khác nhau (Dual Time Zone): cùng một lúc, đồng hồ có thể hiển thị giờ ở 2 vị trí khác nhau trên thế giới.
8. Tourbillon: bộ máy này bao gồm một bánh xe cân bằng, bánh xe này xoay theo tất cả các hướng, nó có thể triệt tiêu được trọng lực, từ đó mang lại độ chính xác trong chuyển động của đồng hồ.
9. Báo phút (Minute Repeater): chức năng có thể báo được thời gian bất cứ khi nào nhờ một nút bật kích hoạt hệ thống đánh chuông nhỏ bên trong đồng hồ. Thông thường, một chiếc đồng hồ báo phút bao gồm 3 tần số âm thanh để người đeo nhận biết được thời gian.
Bên cạnh những chức năng đã nêu ở trên, thế giới đồng hồ rộng lớn còn có rất nhiều khái niệm Complication chúng tôi hi vọng sẽ có cơ hội tiếp tục giới thiệu với các khách hàng của LONGBACH cũng như người hâm mộ đồng hồ trong các bài viết sắp tới.