Mặt đồng hồ đeo tay là phần quan trọng nhất thể hiện phong cách thiết kế của đồng hồ, là thiên đường để các hãng thể hiện dấu ấn riêng biệt của mình nhưng cũng đồng thời là nơi lưu giữ những giá trị không thể thay thế trong lịch sử đồng hồ.

Những giá trị đó chính là các phong cách mặt đồng hồ siêu kinh điển, chúng có thể hiện diện trên mọi thương hiệu, mỗi một kiểu mặt là chuẩn chung của một loại đồng hồ nào đó như đồng hồ lặn cho thợ lặn, đồng hồ phi công cho phi công, đồng hồ hàng hải cho ngành hàng hải, …

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến các bạn những mặt đồng hồ được sử dụng phổ biến hiện nay.

Mặt vạch/chấm:

Loại mặt đồng hồ sử dụng toàn vạch (hoặc các chấm) làm cọc số giờ (phút/giây), đơn giản, dễ đọc. Đây là loại mặt đồng hồ rất được ưa chuộng trong giới trẻ, sử dụng toàn vạch để chỉ giờ-phút-giây cũng là một kiểu trong phong cách Bauhaus tối giản đến từ Đức.

Mặt số la mã:

– Phong cách đậm dấu ẩn cổ điển nhất thế giới, được sử dụng từ thời đồng hồ còn là các cỗ máy to lớn cồng kềnh thời cổ cho đến đồng hồ đeo tay hiện đại. Đặc trưng của loại mặt đồng hồ này là sử dụng chữ số La Mã làm cọc số (số IV được viết là IIII để không nhầm lẫn với số VI và trùng tên với thần Jupiter).

Mặt số La Mã gồm hai loại nhỏ đó là toàn bộ cọc số đều là chữ số La Mã và loại hỗn hợp số La Mã + vạch. Cả hai loại mặt đồng hồ La Mã này đều cực kỳ phổ biến trên thế giới và đại diện cho phong cách truyền thống, cổ điển. Tuy nhiên chúng được đánh giá là khó xem giờ (đọc chậm) hơn số Arab và vạch do có quá nhiều chi tiết.

Mặt số học trò:

Phong cách mặt đồng hồ số Học Trò hay còn gọi là mặt số Arab- A Rập xuất hiện trễ hơn mặt số La Mã (khoảng năm 1400), chúng bắt đầu được sử dụng trên đồng hồ bỏ túi khoảng năm 1700 và trở nên phổ biến nhờ vào mức độ dễ đọc so với số La Mã. Cũng như mặt số La Mã, mặt số học trò cũng có hai loại là số Arab toàn bộ và hỗn hợp số Arab + vạch, cả hai đều đại diện cho phong cách hiện đại, đơn giản với độ phổ biến nhất nhì thế giới, dĩ nhiên, Font chữ được tùy biến rất đa dạng.

Mặt đồng hồ Chronograph:

Mặt đồng hồ Chronograph có đặc trưng là các mặt phụ (thường là hình tròn). Ba kiểu mặt đồng hồ Chronograph thường gặp nhất là loại mặt phụ phân bố ở 3, 6, 9 giờ; 6, 9,12 giờ; 3,9 giờ; 6, 9 giờ. Trừ chức năng Chronograph, các loại đồng hồ kim nhiều lịch cũng rất chuộng kiểu mặt phụ như vậy.

Mặt đồng hồ lặn:

– Mặc dù kiểu mặt Sandwich rất nổi tiếng trong thế giới đồng hồ lặn bởi một hãng tiên phong tạo ra loại đồng hồ này nhưng mức độ phổ biến của nó không thể so sánh với kiểu mặt đồng hồ lặn hiện đại đã trở thành tiêu chuẩn cho mọi thương hiệu trên thế giới sử dụng.

– Kiểu mặt đồng hồ lặn nổi tiếng nhất là của hãng Rolex trên Submariner 1953-1954, sử dụng hình tam giác ngược đại diện cho số 12, vị trí 3, 6, 9 là các vạch và còn lại là các chấm tròn, kể cả kim, tất cả đều có kích thước to để phủ chất liệu dạ quang và dễ đọc.

– Ngoài phong cách này, các thương hiệu cũng ra rất nhiều kiểu mặt đồng hồ lặn khác nhau, trong đó đều lấy yếu tố to, đơn giản làm trọng tâm, trình bày đủ 12 cọc số (đều là loại dễ đọc như số Arab, vạch, chấm tròn) với lớp dạ quang,

Mặt đồng hồ phi công:

– Mặt đồng hồ đeo tay phi công (đồng hồ Pilot) nói riêng hay quân đội nói chung khá giống kiểu mặt đồng hồ lặn (chú trọng to rõ đọc nhanh và có dạ quang) nhưng kích thước cọc số và kim không to bằng.

– Phong cách mặt đồng hồ phi công/quân đội khá đa dạng, có thể sử dụng cả số La Mã, số học trò lẫn các vạch, dấu tròn hỗn hợp hoặc thuần nhất. Kiểu đặc trưng nhất là sử dụng hình tam giác có chấm tròn hai bên tượng trưng cho 12 giờ cho loại phi công, hình tam giác ngược dùng chung cho quân đội.

Mặt Sandwich:

– Loại mặt này là đặc trưng của riêng thương hiệu Panerai trên dòng đồng hồ lặn thiết kế cho lính người nhái với Font chữ to cạnh bo tròn như bánh Sandwich thuộc họ mặt số Học Trò + Vạch, nguyên bản từ Panerai thì trên các cọc số luôn có chất liệu dạ quang hỗ trợ xem thời gian trong bóng tối.

– Phong cách này đảm bảo cho lính người nhái Ý có thể đọc thời gian thật nhanh và dễ khi lặn dưới nước được hãng Officine Panerai đưa vào sử dụng chính thức những năm 1950. Hiện tại kiểu mặt đồng hồ Sandwich đã được sử dụng khá nhiều trong các loại đồng hồ đeo tay mặt to.

Mặt California:

– California là kiểu mặt đồng hồ đeo tay được tạo ra bởi hãng Rolex cho các mẫu đồng hồ Rolex và đồng hồ Panerai dành riêng cho thợ lặn quân đội Ý thiết kế bởi Rolex khoảng năm 1934 và 1936 (Ref. 3595, Ref. 3646). Đặc trưng của loại mặt này là sử dụng hỗn hợp hai kiểu chữ số La Mã (nửa mặt trên 2 đến 12 giờ) và Arab (nửa mặt dưới – 4 đến 8 giờ) làm cọc số.

– Sở dĩ loại mặt đồng hồ này có tên gọi là “California” là bởi vì các nơi tân trang, phục chế đồng hồ ở LA – California rất chuộng phong cách đặc biệt này của Rolex và khiến nó trở thành phong cách phổ biến nhất bang California – Mỹ trong những năm 70, 80.

Mặt đồng hồ phút:

– Mặt đồng hồ Phút hay còn gọi là mặt Regulator là loại mặt dùng thước đo phút thay vì sử dụng các cọc số để thể hiện giờ. Số phút được ghi tương ứng mỗi 5 phút (5, 10, 15, 20, 25…60) và được chỉ bởi 1 kim duy nhất ở trung tâm trong khi giờ, giây được thể hiện bởi mặt phụ lần lượt ở 12 giờ và 6 giờ.

– Loại mặt đồng hồ này có xuất xứ từ máy đo thời gian tham chiếu (dùng để cho các thợ đồng hồ nhìn để điều chỉnh những mẫu đồng hồ đang được chế tạo), trong trường hợp này phút là yếu tố quan trọng còn giờ thì không (vì lúc bấy giờ sai số đồng hồ cơ được căn cứ theo phút chứ không phải giờ hoặc giây). Ngày nay, loại mặt này thường chỉ xuất hiện trên các sản phẩm cao cấp và được xem là độc đáo, dĩ nhiên, nó không dễ để xem thời gian.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *