Tritium là một chất khí phóng xạ được sử dụng để làm dạ quang trên đồng hồ phổ biến của thế kỷ trước. Tuy rằng hiện tại rất hiếm hãng đồng hồ sử dụng dạ quang Tritium nhưng không thể phủ nhận rằng thứ phát ra ánh sáng liên tục không tắt đến 25 năm này là khởi nguồn và sức mạnh cho những đam mê của vô khối dân chơi đồng hồ.
Trên đồng hồ, dạ quang Tritium được biết đến là hợp chất phát sáng có thể sáng liên tục có nguyên liệu chính là Tritium (hay còn gọi là Triti), một đồng vị phóng xạ của Hydro. Ra ngoài thế giới, Tritium được sử dụng trong lò nhiệt hạch và các máy neutron, thiết bị nghiên cứu vũ khí hạt nhân, làm điểm ngắm súng trường.
Ánh sáng của dạ quang đồng hồ Tritium rực rỡ, duy trì liên tục suốt 24.64 năm mà không cần thêm bất cứ nguồn năng lượng nào (pin, điện, ánh sáng mặt trời, nhiệt độ…) và có thể tùy chọn gần như không giới hạn màu sắc phát sáng để người dùng có thể đọc được mặt số dễ dàng trong bóng tối.
Nở rộ trang bị cho đồng hồ vào những năm 60, 70 nhưng hiện tại chỉ còn rất ít hãng trang bị dạ quang Tritium cho đồng hồ bởi nhược điểm “chết người” đúng nghĩa đó là bản thân Tritium là một chất phóng xạ độc hại, gây ô nhiêm môi trường và sự sống sinh vật sống nếu như bị phát tán rò rỉ ra môi trường với hoạt độ phóng xạ cao.
Để đảm bảo an toàn kể cả khi phát tán ra môi trường, Tritium được sử dụng trong dạ quang trên đồng hồ phải có hoạt độ phóng xạ dưới 100 millicuries (mCi), nhiều quốc gia còn yêu cầu khắt khe hơn dẫn đến hoạt độ phóng xạ của Tritium phải ở mức 25 millicuries (mCi), chứa trong các ống niêm phong kín.
Có thể nhận biết đồng hồ có hay không sử dụng dạ quang Tritium bằng cách kiểm tra trên mặt số có ký hiệu “GTLS” tức Gaseous Tritium Light Source, “H3” “T Swiss Made T” hoặc “T25” hoặc “T100”… hay không. T25 tương đương với hoạt độ phóng xạ 25 mCi, T100 tương đương với hoạt độ phóng xạ 100 mCi… cứ thế suy ra.
Cách tạo ra dạ quang đồng hồ Tritium
Các ống kính khoáng hoặc lọ (dùng làm hoặc gắn lên các kim và cọc số…) được phủ một lớp lân quang phốt pho và các màu được chọn ở mặt trong trước sau đó đưa khí Tritium vào trong và niêm phong lại. Như vậy là đã làm xong dạ quang đồng hồ Tritium.
Khi Tritium phân rã, các electron của nó kích thích các lớp phủ lân quang tạo ra ánh sáng liên tục không ngừng và không cần bất kỳ nguồn pin hoặc ánh sáng môi trường xung quanh để sạc. Phân rã và phát sáng sẽ xảy ra ngay lập tức sau khi niêm phong lọ chứa.
Chu kỳ bán ra của Tritium khoảng 12.32 năm vì thế ánh sáng của dạ quang đồng hồ Tritium sẽ duy trì khoảng 25 năm (mờ dần sau khoảng 12.32 năm và tắt hẳn sau khoảng 12.32 năm tiếp theo). Hết thời gian này, một là phải đổi đồng hồ, hai là phải thay dạ quang.
Dạ quang Tritium màu xanh lá cây sẽ cho ánh sáng tốt nhất vì có bước sóng mắt có thể nhìn thấy 100% còn các màu xanh lam mắt chỉ thấy được 60%, màu trắng 60%, cam 40%. Dạ quang Tritium màu xanh lá cũng là màu thường thấy nhất trên đồng hồ lặn vì ánh sáng của nó có thể nhìn thấy ở khoảng cách xa đến 60 m.
Khi có hoạt độ phóng xạ dưới 100 mCi, Tritium vẫn rất an toàn cho người. Ưu điểm là sáng hơn các loại dạ quang hiện đại sạc bằng ánh sáng mạnh, không cần sạc khiến cho Tritium được xem là chất dạ quang đẳng cấp cao trên đồng hồ hiện nay.
Tritium không chỉ là một chất phóng xạ có thể gây nguy hiểm nên cần kỹ thuật sản xuất rất cao và còn góp mặt trong danh sách những chất có giá đắt đỏ nhất Trái Đất (30000 USD/gram), bởi thế danh sách các hãng đồng hồ có thể vận dụng chất liệu này cũng không bao nhiêu. Với đặc điểm phát sáng liên tục không cần năng lượng của mình, dạ quang Tritium chủ yếu xuất hiện trên đồng hồ lặn.