Gần như đã bị thất truyền vào những năm 1970 khi thị hiếu thẩm mỹ thay đổi, nhưng đồng hồ được chế tác bằng kỹ nghệ Emanel (tráng men lên kim loại) vẫn được duy trì và đang dần quay trở lại trong thời gian gần đây bởi một số ít nghệ nhân có tay nghề cao. Mỗi chiếc đồng hồ đều được ví như tuyệt tác nghệ thuật thu nhỏ phải mất hàng tháng lao động cần mẩn mới hoàn thành.
Viện bảo tàng đồng hồ Philippe Patek Geneva là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm Emanel nhất. Dù tồn tại gần 3 thế kỷ, bộ sưu tập đồng hồ tại đây vẫn toả sáng tựa như những viên đá quý lấp lánh, thậm chí còn đẳng cấp hơn bởi kỹ thuật chế tác phức tạp cùng cách phối hợp màu sắc sống động. Tuy phương pháp Emanel đã tạo ra những sản phẩm xuất sắc đến từng “chân tơ kẽ tóc”, nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng, chúng chỉ nằm trong phạm vi giới hạn bộ sưu tập của bảo tàng chứ khó mà trở nên phố biến.
Từ thập niên 1970, thị hiếu thẩm mỹ đã thay đổi rõ rệt, người ta bắt đầu ưa chuộng những thứ hiện đại hơn, lúc đó cả thế giới dường như “quay cuồng” trước đồng hồ Thuỵ Sĩ nổi tiếng với công nghệ thạch anh, và ít ai còn đam mê dòng sản phẩm tráng men thủ công, khiến kỹ nghệ này rơi vào bờ vực biến mất. Cũng vì thế, số lượng nghệ nhân còn theo đuổi công việc đòi hỏi sự trau chuốt và kiên nhẫn này đã với đi rất nhiều. Đến nay, dù nhu cầu đã cao hơn, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng để tạo ra những chiếc đồng Emanel tuyệt mĩ.
Được xem là bậc thầy trong lĩnh vực vẽ tranh tiểu hoạ trên đồng hồ Enamel, Suzanne Rohr nhớ lại quãng thời gian khi mới 30 tuổi (cuối năm 1960), làm nghề này kiếm còn không đủ tiền để thuê một căn hộ cho riêng bà. Hay trường hợp của Francis Donzé, khi ông thành lập xưởng tráng men lên đồng hồ tại thị trấn Le Locle vào năm 1972, hầu hết mọi người đều nghi ngờ liệu ông có thể trang trải được bao lâu.
Thật khó có thể tượng tượng rằng ngày nay, đại đa số những nhà sưu tập đẳng cấp Haute Horlogerie đều sở hữu ít nhất một tác phẩm Emanel. Đối với nhiều người, chế tác đồng hồ Emanel vẫn là một ngành đặc thù, do đó họ luôn tin tưởng dù có bao nhiêu tác phẩm mới ra đời thì chất lượng vượt trội vẫn không hề giảm sút. Nhưng rất khó để có nhiều hơn, bởi sự khan hiếm thợ thủ công lành nghề. Hiện đang làm việc độc quyền cho Patek Philippe, Suzanne Rohr có một danh sách chờ đợi tới hơn hai năm để được sở hữu những kiệt tác nhỏ bé của bà.
Anita Porchet, từ một người thất nghiệp vào năm 2000, sau khi theo học Suzanne nay đã không có đủ thời gian để làm việc cho những thương hiệu hàng đầu như Jaquet Droz, Piaget, Vacheron Constantin, Patek Philippe, La Montre Hermès, Chanel và Parmigiani. Sự ra đi bất ngờ của Dominique Baron hồi năm ngoái – nghệ nhân đang làm việc với DeLaneau, Roger Dubuis và Van Cleef & Arpels, đã để lại một khoảng trống khó mà bù đắp trong đội ngũ nghệ sĩ Enamel còn lại.
Do nhu cầu đối với loại đồng hồ yêu cầu sự kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật với sáng tạo cơ khí ngày càng gia tăng, một số hãng trang sức đã tự xây dựng nên trung tâm chế tác Enamel cho riêng mình, Jaeger-LeCoultre có lẽ là cái tên đầu tiên. Năm 1991, Miklos Merczel, thợ đồng hồ giỏi nhất của hãng “rơi vào lưới tình” với những chiếc đồng hồ tráng men cổ. Ngay lập tức, ông bắt đầu học loại nghề thủ công này, cho đến năm 1996, ông hoàn thành tác phẩm đầu tiên, đó là bộ sưu tập Reverso lấy cảm hứng từ nghệ thuật của Alfonse Mucha. Mercezl nhanh chóng thu nhận một thợ học việc tài năng là Dominique Baron. Đến nay, “đệ tử” của Baron – Sophie Roche hiện đang là trưởng nhóm phát triển dòng sản phẩm Enamel của Jaeger-LeCoultre.
Phải mất ít nhất một thập kỷ để đào tạo thợ thủ công Enamel đủ lành nghề, do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi hầu hết công ty đều không công bố tên nghệ nhân rộng rãi, bởi họ sợ đối thủ sẽ săn đón. Những người đạt được thành công trong lĩnh vực này không chỉ sở hữu tài hoa vượt trội, khả năng vẽ tranh thu nhỏ, mà còn phải kết hợp với nghệ thuật, thủ công khéo léo, lực bàn tay ổn định, thị lực tựa chim ưng, sự kiên nhẫn như một vị thánh và thần kinh thép.
Yêu cầu cần thiết cuối cùng của một người làm Enamel là phải biết “chơi với lửa”, đúng theo nghĩa đen. Men được hình thành bởi sự pha trộn giữa chất liệu thuỷ tinh với các sắc tố dưới nhiệt độ lên tới 800°C. Một đồng hồ vẽ tráng men phải cần từ 15-20 lần nung nóng, mỗi lần sẽ làm dày thêm cường độ và chiều sâu của màu sắc. Quá trình này vừa làm tăng vẻ đẹp của sản phẩm, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ: Ở bất kỳ bước nào, mặt đồng hồ đều có thể bị vỡ, nứt, bị chấm lỗ chỗ, phồng rộp hoặc màu sắc không như mong đợi… đôi khi không lường trước được. Sau nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí hàng tháng trời làm việc, các nghệ nhân lại phải bắt đầu từ con số 0.
Men tráng, về cơ bản là thuỷ tinh dạng bột trộn với bột màu oxit kim loại. Độ tinh khiết rất quan trọng, các hạt bột phải cực kỳ mịn ngay cả khi soi dưới kính hiển vi. Enamel còn phức tạp cả trong công đoạn pha màu, bởi mỗi màu sắc đều đòi hỏi quá trình nghiên cứu và xây dựng công thức pha chế riêng biệt. Để thực hiện được những bức tiểu hoạ đặc sắc bên trong mặt đồng hồ, cọ vẽ cũng phải đặc biệt. Lấy ví dụ, với kỹ thuật tráng men Cloisonne, nghệ nhân sẽ thêm vào dung dịch tạo màu những sợi vàng không lớn hơn sợi tóc người, hoà tất cả bằng tay và quét bằng kìm siêu nhỏ. Qua tác động nhiệt, những sợi này sẽ nằm lại trên mặt đồng hồ, tạo độ sâu ấn tượng cho các chi tiết. Ngoài ra, một số trường phái Enamel khác như Vacheron Constantin với kỹ nghệ Champleve, Jaquet Droz sử dụng kỹ thuật Grand Feu và Pailonnee đều có phương thức riêng biệt.
Mỗi lần nghệ nhân muốn thêm độ bóng cho một màu nhất định, hay bổ sung chi tiết, mặt đồng hồ phải được nung; đôi khi, tuỳ thuộc vào thành phần hoá học, các chất màu nhất định có thể được nung cùng lúc. Đó là một quá trình không thể vội vã, nhưng kết quả thì không bao giờ có thể đảm bảo. Đây là lý do những chiếc đồng hồ xa xỉ qua chế tác Enamel lại được đánh giá là độc đáo và tuyệt mĩ bậc nhất. Những mảnh ghép nhỏ bé qua bàn tay tài năng của con người đã biến thành những viên ngọc có giá trị còn hơn kim cương.